Cách nhận biết một nhà cung cấp không uy tín
Cho dù bạn đang tìm kiếm nguyên vật liệu hay sản phẩm cuối cùng để làm trung gian, bạn cũng cần tìm được cho doanh nghiệp
mình các nhà cung cấp tiềm năng. Họ là những người cung cấp cho bạn nguồn thông tin quan trọng, giúp bạn đánh giá sản phẩmvà thông báo cho bạn những cơ hội mới. Ngược lại, nếu chọn cho mình một nhà cung cấp không uy tín, công việc của bạn sẽ gặp nhiều bất lợi và đôi khi ảnh hưởng lớn đến hoạt động doanh nghiệp của tổ chức bạn.
Để nhận biết một nhà cung ứng không uy tín, bạn có thể dựa vào các dấu hiệu sau đây:
BỎ MẶC KHÁCH HÀNG:
Khi nhà cung cấp bắt đầu có dấu hiệu trễ hàng thường xuyên hay nhiều lần khiến hàng hóa bị thiệt hại, bạn nên xem xét và đánh giá lại nhà cung cấp trong thời gian sớm nhất. Trục trặc trong việc giao hàng là vấn đề dễ xảy ra đối với chuỗi cung ứng; tuy nhiên, các nhà cung cấp uy tín sẽ luôn thông báo trước các tình huống xấu có thể xảy ra và luôn rõ ràng trong chính sách đền bù hoặc chia sẻ thiệt hại với khách hàng.
Trong khi đó, các nhà cung cấp yếu kém sẽ chỉ cố gắng chăm chút cho khách hàng đến giai đoạn chốt đơn hoặc thêm nữa là đến giai đoạn thanh toán đơn hàng. Sẽ rất khó để yêu cầu một nhà cung cấp không uy tín cung cấp tận tình dịch vụ chăm sóc khách hàng đối với từng đơn hàng của bạn.
Do đó, hãy chọn một đối tác thực sự quan tâm đến doanh nghiệp của bạn để đạt được sự hợp tác tốt nhất.
THIẾU TÍNH CẠNH TRANH:
Hiện nay, một số nhà cung cấp vẫn không có khả năng đầu tư đổi mới quy trình sản xuất và dịch vụ, đồng thời không áp dụng các biện pháp cải tiến phục vụ hợp thời, theo kịp nền công nghiệp 4.0. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh, cần các nguồn cung hiện đại và được nâng cấp tốt hơn.
Đối mặt với vấn đề này, bộ phận cung ứng cần làm việc trực tiếp với nhà cung cấp để tìm được giải pháp chung hoặc phải đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng nếu không đạt được thỏa thuận mong muốn.
KHÔNG TRUNG THỰC VỚI KHÁCH HÀNG:
Khi làm việc với các nhà cung cấp lớn, bạn sẽ luôn nhận được lời mời đến tham quan cơ sở sản xuất hay showroom của họ, cho phép bạn giao lưu với công nhân hay quản lý, mời bạn tham dự những cuộc hội thảo khách hàng của công ty, thậm chí có thể cung cấp báo cáo tài chính riêng của họ để tăng sự uy tín trong mắt khách hàng.
Bên cạnh đó, sẽ có không ít các nhà cung cấp mập mờ về quy trình sản xuất, hạn chế sự trao đổi giữa nhân viên công ty và khách hàng về các thông tin nội bộ hoặc tránh giải thích được những câu hỏi chi tiết liên quan đến chính sách hoặc sản phẩm.
Hãy chú ý đặt ra các câu hỏi cần thiết để xác thực sự rõ ràng từ phía nhà cung cấp để đảm bảo việc đánh giá chính xác mức độ uy tín của nhà cung cấp.
TÍNH TOÁN VỚI KHÁCH HÀNG:
Đôi khi, việc chia đôi kinh phí của các bên đối tác cũng có thể được xem giống như việc chia chi phí của các cặp đội yêu nhau. Nếu đối phương tính toán từng đồng nhỏ lẻ với bạn, bạn sẽ hiểu được rằng đối phương thực sự không phải là một đối tác phù hợp cho việc đi chung lâu dài.
Nếu một nhà cung cấp không cùng bạn chia sẻ những khoản chi phí từ nhỏ nhất như tiền thuê địa điểm cho cuộc họp, tiền vận chuyển nếu bạn đặt những đơn hàng lớn, tiền chiết khấu cho bên trung gian… đến những chi phí lớn như giải quyết hậu quả của lô hàng bị lỗi, kiểm tra chất lượng hàng hóa, chi phí đào tạo nhân viên phía nhà cung cấp,…. thì bạn nên cân nhắc thay đổi nhà cung cấp nếu không muốn gia tăng các loại chi phí phát sinh cho một đơn hàng.
KẾT LUẬN
Lựa chọn 1 nhà cung ứng không phù hợp ngoài việc khiến công việc của bạn trì trệ mà còn có nguy cơ phá hủy doanh nghiệp của bạn. Tập trung đo lường và đánh giá về nhà cung cấp trước khi quyết định là một trong những cốt lõi sống còn của doanh nghiệp bạn.
Cuối cùng, nhận biết một nhà cung ứng để biết họ phù hợp với doanh nghiệp mình hay không là yếu tố quan trong trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nhà quản trị cũng cần phải quan tâm về những vấn đề tiên quyết ảnh hưởng đến yếu tố sống còn của chuỗi cung ứng doanh nghiệp vì nếu bên trong chưa vững chắc thì doanh nghiệp khó có thể có sức mạnh để chống lại rủi ro.
Nối tiếp với các tiêu chí cần lưu ý khi lựa chọn nhà cung cấp, nhận ngay những tiêu chí để đánh giá và lựa chọn nhà cung ứng để phát huy thế mạnh của nhà cung ứng doanh nghiệp của bạn.